Vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Giai cấp công nhân theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin
C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ dẫn:
Giai cấp công nhân “phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, thành giai cấp chủ
đạo trong dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc” (C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.4,
tr.624)
Vì sao? Vì hai ông khẳng định:
“Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại
công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của nền đại công nghiệp” (C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị
quốc gia, H.2002, t.4, tr.610).
Với thế giới quan duy vật biện chứng về lịch sử, C.Mác phát hiện
ra rằng: lực lượng xã hội có khả năng cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới là
giai cấp công nhân (GCCN), và khẳng định, trong sự nghiệp tự giải phóng của
nhân loại cần lao, GCCN là nòng cốt, đóng vai trò lãnh đạo. Đấy là điểm mấu chốt
trong học thuyết XHCN của C.Mác, khác về chất với CNXH không tưởng; hay nói
cách khác, là điểm mấu chốt phát triển CNXH từ không tưởng đến khoa học. CNXH
không tưởng xây dựng xã hội không dựa trên sự phát triển kinh tế - xã hội, mà
bằng sự ban phát của những người hảo tâm, làm việc từ thiện, tức là thực hiện
sự giải phóng người lao động nghèo khổ bằng kêu gọi lòng tốt của giai cấp tư
sản và tự mình xây dựng mô hình xã hội lý tưởng để giai cấp tư sản noi theo.
Theo C.Mác, sứ mệnh lịch sử của GCCN là giải phóng giai cấp, giải
phóng xã hội, giải phóng con người, đạt đến mục tiêu "Thay cho xã hội tư
sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên
hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển
tự do của tất cả mọi người” (C. Mác và
Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1995, Tập 4, tr 628).
Như vậy, theo chủ nghĩa Mác -
Lê nin, GCCN là sản phẩm của nền sản xuất công nghiệp, không ngừng phát triển về
số lượng và chất lượng cùng với sự phát triển của nền sản xuất công nghiệp cả về
quy mô và trình độ hiện đại của kỹ thuật sản xuất do sự tác động ngày càng mạnh
mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ. Không những thế, GCCN còn là chủ thể của
nền sản xuất công nghiệp với nghĩa là giai cấp của chế tác, cải tiến, điều khiển,
vận hành, giám sát quá trình hoạt động của máy móc, kỹ thuật sản xuất hiện đại,
là lực lượng lao động chính của nền sản xuất công nghiệp hiện đại.
GCCN có sứ mệnh lịch sử là:
(1) GCCN là lực lượng trực tiếp và thường xuyên tiến hành sản xuất vật chất chủ
yếu trong nền sản xuất công nghiệp hiện đại, cả trong CNTB lẫn trong quá trình
xây dựng CNXH. (2) Thông qua đảng cộng sản, GCCN lãnh đạo, tổ chức quần chúng
nhân dân lao động đấu tranh giành chính quyền. (3) Thông qua đảng cộng sản,
GCCN lãnh đạo, tổ chức quần chúng nhân dân lao động xây dựng, bảo vệ CNXH và
CNCS.
Như vậy, sứ mệnh lịch sử của
GCCN không phải là thực hiện sự chuyển biến từ chế độ tư hữu này sang chế độ tư
hữu khác, nhằm thay đổi hình thức bóc lột này sang hình thức bóc lột khác mà là
xóa bỏ chế độ tư hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu, nguồn gốc nảy sinh mọi áp bức
bóc lột giữa người với người để tiến tới xóa bỏ các giai cấp bóc lột nói chung.
Sứ mệnh lịch sử của GCCN là sự thống nhất biện chứng của hai quá trình: cải tạo
xã hội cũ và xây dựng xã hội mới, trong đó quá trình xây dựng xã hội mới là
quan trọng và quyết định nhất. Sứ mệnh lịch sử của GCCN là sự thống nhất giữa
hai yếu tố dân tộc và quốc tế.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về GCCN
“Trong những năm bôn
ba tìm đường cứu nước, được tiếp cận với công nhân ở các nước tư bản, Người đã
sớm nhận thức được rằng, giai cấp công nhân là sản phẩm của lịch sử, ra đời và
phát triển cùng với sự xuất hiện và phát triển của nền sản xuất tiên tiến. Giai
cấp công nhân là lực lượng đại diện cho nền sản xuất tiên tiến, có trình độ tổ
chức và kỷ luật cao, có ý thức tập thể và tinh thần quốc tế. Từ nhận thức về vị
trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
từng bước truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào công nhân và phong
trào yêu nước ở Việt Nam qua sách, báo và qua tuyên truyền vận động. Từ năm
1924 khi về Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động, tư tưởng đó của Người được
truyền bá đến những thanh niên Việt Nam yêu nước qua tổ chức tiền thân của Đảng
do Người sáng lập (Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên). Nhờ vậy, những người
sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ đầu đã có nhận thức đúng đắn về vị
trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Cương lĩnh đầu tiên của
Đảng ta đã xác định: "Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai
cấp và nông dân là hai động lực chính, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì
cách mạng mới thắng lợi được" (Đảng
Cộng sản Việt Nam: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tập 2, tr
94). Sự xác nhận này vào thời điểm lịch sử thành lập Đảng có ý nghĩa vô
cùng quan trọng, quyết định đối với vận mệnh cách mạng nước ta. Tư tưởng đúng
đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp
công nhân tiếp tục được hoàn thiện và quán triệt trong các văn kiện của Đảng ta
từ năm 1930 đến nay, trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng” (TS. Thanh Tuyền: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về
giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Cập nhật lúc 11h57 - Ngày 08/10/2015).
Quan điểm, chủ trương của Đảng
ta về GCCN Việt Nam
GCCN Việt Nam là một bộ phận của
GCCN quốc tế, ra đời cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. GCCN Việt Nam được Đảng ta
xác định: “GCCN Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm
những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại
hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp , hoặc sản xuất kinh doanh và dịch
vụ có tính chất công nghiệp” (Đảng Cộng sản
Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X,
Nxb.Chính trị quốc gia, H.2008, tr.43). Đảng ta xác định: “Xây dựng GCCN nước
ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là
nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của , Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị,
của mỗi người công nhân và của toàn xã hội” (Đảng
Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa
X, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2008, tr.43).
Quan điểm chỉ đạo trong xây dựng
GCCN của Đảng ta là “Kiên định quan điểm GCCN là giai cấp lãnh đạo cách mạng
thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho
phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng
CNXH, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
là lực lượng nòng cốt trong liên minh GCCN với giai cấp nông dân và đội ngũ trí
thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lớn mạnh của GCCN là điều kiện tiên quyết bảo
đảm thành công cho công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần
thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2008, tr.47).
“Chiến lược xây dựng GCCN lớn
mạnh phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế”. “Đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hóa GCCN là một
nhiệm vụ chiến lược” (Đảng Cộng sản Việt
Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb.Chính
trị quốc gia, H.2008, tr.48).
Qua 03 năm (2008 - 2011) thực
hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa
X), Kế hoạch số 84-KH/TU của
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân
Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tuy cũng còn
những tồn tại, hạn chế, song ở tỉnh Đồng Nai đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cả hệ
thống chính trị. Các cấp ủy đảng quan tâm
xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, giai cấp công nhân có chuyên môn, tay nghề
cao, thích ứng nhanh nền sản xuất công nghiệp hiện đại với cơ chế thị trường và
hội nhập kinh tế quốc tế. Chú trọng việc xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong các
doanh nghiệp; tăng cường công tác phát triển đảng viên trong công nhân trực
tiếp sản xuất và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; quan tâm đến công tác
quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn và công nhân lao động.
Chính quyền, các ngành quan tâm hỗ trợ, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho
tổ chức công đoàn hoạt động hiệu quả. Tổ chức Công đoàn, luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng;
tranh thủ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền để tổ chức các hoạt động
chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động; phát động các
phong trào, cuộc vận động thiết thực gắn với trách nhiệm và quyền lợi của đoàn
viên, công nhân lao động, củng cố và nâng cao chất lượng đoàn viên, xây dựng tổ
chức công đoàn ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu,
nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải
pháp về: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trình độ học vấn, chuyên
môn và ý thức tổ chức kỷ luật cho công nhân; Bồi dưỡng, giáo dục nâng cao ý
thức giác ngộ giai cấp, trình độ chính trị, tinh thần dân tộc cho công nhân; Thực hiện tốt các cơ chế chính sách, pháp luật để đảm
bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần
cho công nhân; Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh (Theo
Báo cáo số 48-BC/TU ngày 31/8/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy).
Và theo Kế hoạch, cuối tháng 5/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tổ
chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008
của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), Kế hoạch số 84-KH/TU của Ban Chấp hành
Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” để có đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra
nhiệm vụ và giải pháp cho việc thực hiện Nghị quyết thời gian tiếp theo.
Tiếp tục xây dựng GCCN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Ngày nay, trên mặt trận tư tưởng, lý luận, ở
phạm vi thế giới và ở nước ta, trực tiếp hay gián tiếp, người ta đang mưu toan bác
bỏ chủ nghĩa Mác. Chẳng hạn như, lập luận của CNXH dân chủ. Họ vẫn chia người
lao động thành hai bộ phận “lao động cổ xanh” và “lao động cổ trắng”; coi “lao
động cổ trắng” không phải là một bộ phận của giai cấp công nhân hiện đại. Hay, tầng
lớp “cổ xanh” lấy lao động chân tay là chính, đang giảm mạnh, tầng lớp “cổ
trắng” lấy lao động trí óc làm chính, đang nhanh chóng mở rộng. Và họ cho rằng:
giai cấp công nhân – bộ phận được “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” coi là quân
chủ lực, đối địch với giai cấp tư sản, đã “biến thành thiểu số”, v.v. và v.v. Những
lập luận trên nhằm biện luận cho sự tồn tại vĩnh viễn của CNTB; khẳng định
không còn đối lập giai cấp trong CNTB ở các nước Tây Âu và Mỹ. Họ cho rằng,
giai cấp công nhân sẽ bị triệt tiêu cùng với sự phát triển của kinh tế tri
thức, và như vậy thì luận điểm về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân do C.
Mác phát hiện đã lỗi thời. Lại có luận điệu lấy sự tăng trưởng kinh tế và mức
thu nhập bình quân cao ở các nước Bắc Âu để vẽ về một “CNXH phân phối”, không
TBCN mà cũng không XHCN, nhằm bác bỏ vai trò của Đảng Cộng sản, gián tiếp phủ
nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Chúng ta thấy rằng, giai cấp công nhân hiện
đại đã có nhiều biến đổi so với thế kỷ XIX. Ngay như về
nguồn gốc xuất thân từ đô thị của giai cấp công nhân hiện nay. Quá trình đô thị hóa làm xuất hiện ngày một đông đảo
hơn đội ngũ lao động làm thuê, vốn có mặt từ thời “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”,
gồm “bác sĩ, luật gia, tu sĩ, thi sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến thành
những người làm thuê...”(2) (C.Mác và
Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tập 4, tr. 600).
Song hiện nay, họ đông đúc hơn, đa dạng hơn. Đó là nhóm lao động dịch vụ xã hội
với hàng nghìn nghề khác nhau. Họ là những người kết hợp cả lao động chân tay
và lao động trí óc. Trong các quốc gia phát triển đã có sự xuất hiện một cơ cấu
xã hội mới với vai trò mới của trí thức, công nhân tri thức.
Giai cấp công nhân hiện đại cũng đã có cơ
cấu đa dạng. Trình độ
mới của sản xuất và dịch vụ cùng với cách tổ chức xã hội hiện đại cũng làm cho
cơ cấu của giai cấp công nhân hiện đại đa dạng nên nội hàm của nó cũng phải được
điều chỉnh theo hướng mở rộng: theo lĩnh vực, theo trình độ công nghệ, theo sở
hữu, theo chế độ chính trị...
Như vậy, nhận thức
về giai cấp công nhân cần phải được bổ sung, phát triển cùng với sự phát triển
của công nghiệp và cách mạng khoa học và công nghệ, bởi học thuyết chủ nghĩa
Mác luôn là học thuyết khoa học.
Do đặc thù lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc
khác nhau, con đường tiến lên CNXH cũng không giống nhau. Đối với nước ta, tiến
lên CNXH từ cách mạng dân tộc, dân chủ với nền kinh tế chậm phát triển, chưa
trải qua phát triển TBCN, cho nên, chúng ta phải xây dựng cơ sở vật chất - kỹ
thuật đảm bảo tạo dựng cơ sở kinh tế cho CNXH bằng công cuộc CNH, HĐH. Đó là sự
nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam –
Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Chính vì vậy, chúng ta vẫn tiếp tục khẳng định
rằng, mặc dù giai cấp công nhân nước ta còn những hạn chế, nhất là “Địa vị
chính trị của giai cấp công nhân chưa thể hiện đầy đủ”, “Giác ngộ giai cấp và
bản lĩnh chính trị của công nhân không đồng đều;...” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành
Trung ương khóa X, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2008, tr.45) nhưng không có
giai cấp, tầng lớp xã hội nào ở nước ta thay thế được vai trò của giai cấp công
nhân - một giai cấp mà tiền đồ phát triển của nó gắn liền với tiến trình phát
triển của cách mạng nước ta. Và giai cấp công nhân Việt Nam là “giai cấp lãnh
đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại
diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp
xây dựng CNXH, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần
thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2008, tr.47).
Để giai cấp công nhân nước ta ngày càng lớn mạnh, thực hiện tốt sứ
mệnh lịch sử của mình trong sự nghiệp đổi mới, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số
20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tiếp tục xây
dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước”, với các nhiệm vụ và giải pháp: (1) Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết
thực tiễn, phát triển lý luận về GCCN trong điều kiện kinh tế thị trường định
hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế
quốc tế. (2) Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước trí thức
hóa GCCN. (3) Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp,
tinh thần dân tộc cho GCCN. (4) Bổ sung, sửa đổi, xây dựng và thực hiện nghiêm
hệ thống chính sách, pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng
của công nhân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. (5) Tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn và các tổ
chức chính trị - xã hội khác trong xây dựng GCCN.
Cùng với đó, chúng ta cần tăng cường đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về Đảng và dân tộc, về sứ mệnh lịch sử của GCCN, đồng thời chú trọng xây dựng và phát triển GCCN kiên định lập trường, bản lĩnh chính trị; ngày càng nâng cao trình độ, vững vàng tay nghề, không ngừng học hỏi để tiến vào và làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp của thời đại. Có như vậy, quan điểm, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin mới có thể được bảo tồn và làm giàu một cách sáng tạo trong ngày nay./.
Lan Hương
Post a Comment