[Câu hỏi ôn tập] Bài 11 - 02 câu - Tư tưởng hồ chí minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân.

 


Câu 1: Trình bày nội dung và ý nghĩa quan điểm của Hồ Chí Minh về bản chất dân chủ, bản chất giai cấp công nhân của nhà nước Việt Nam?

Câu 2: Trình bày quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức; ý nghĩa đối với cải cách nền hành chính hiện nay?

BÀI 11: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

VỀ NHÀ NƯỚC CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN.

 

Câu 1: Trình bày nội dung và ý nghĩa quan điểm của Hồ Chí Minh về bản chất dân chủ, bản chất giai cấp công nhân của nhà nước Việt Nam?

* Bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam

Bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rất rõ: “Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc của nhân dân”

Hồ Chí Minh luận giải Nhà nước của dân, do dân, vì dân một cách dung dị, đơn giản, thiết thực và rất dễ hiểu.

 Nhà nước của dân:

Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng Nhà nước, cơ quan quyền lực nhà nước là của dân, do dân làm chủ. Nhà nước mới theo Hồ Chí Minh, trước hết phải là Nhà nước của cả dân tộc.

- Tư tưởng Hồ Chí Minh “Dân là gốc của nước”, “nước lấy dân làm gốc” là nguyên tắc quan trong nhất trong tổ chức, xây dựng Nhà nước, là một sự vận dụng sáng suốt chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam.

- Trong tư tuởng Hồ Chí Minh, nhà nước của dân là nhà nước trong đó nhân dân là chủ; dân là người có địa vị cao nhất, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, dân tộc. Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định : Nước ta là nước dân chủ; địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ; bao nhiêu quyền hạn là của dân; quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Trong Nhà nước ta, toàn bộ quyền lực đều thuộc về nhân dân, cán bộ công chức nhà nước chỉ là người được ủy quyền, được nhân dân trao quyền gánh vác, gải quyết những công việc chung của đất nước.

Nhà nước do dân:

Theo Hồ Chí Minh, nhà nước do dân là dân làm chủ nhà nước; nhà nước phải tin dân và dựa vào dân. Nội dung quyền làm chủ nhà nước của dân rất rộng, trước hết thể hện ở chỗ: Nhân dân là người tổ chức nên các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương thông qua thực hiện chế độ tổng tuyển cử phổ thông, trực tiếp, bỏ phiếu kín bầu các đại biểu xứng đáng vào các cơ quan quyền lực nhà nước. Nhân dân có quyền bầu cử, ứng cử cũng như có quyền thực hiện chế độ bãi miễn.

- Nhân dân có quyền tham gia công việc quản lý nhà nước, sao cho các quyết định của cơ quan nhà nước đều xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

- Dân có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp trí tuệ, sức người, sức của tổ chức xây dựng, bảo vệ và phát triển nhà nước.

- Sự thành bại của cách mạng, đều gắn với vai trò của quần chúng nhân dân lao động.

- Nhà nước của dân thì phải làm tốt bổn phận là người đại biểu thay mặt nhân dân, quyền hành nơi Nhà nước do dân giao phó.

Nhà nước vì dân:

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước dân chủ nhân dân là nhà nước phục vụ nhân dân, đem lợi ích cho dân. Mọi hoạt động của chính quyền phải nhằm mục tiêu mang lại quyền lợi cho nhân dân và lấy con người là mục tiêu phấn đấu lâu dài như Hồ Chí Minh từng nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trước hết là nhằm thoả mãn các nhu cầu thiết yếu nhất của nhân dân, trong đó phải : “Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành”.

- Nhà nước quan tâm, chăm lo cho đời sống của nhân dân bằng cách hướng dẫn nhân dân tự chăm lo thoả mãn các nhu cầu, lợi ích của mình, chứ không phải làm thay dân.

- Nhà nước tồn tại và hoạt động vì quyền lợi nhân dân, đặt lợi ích của dân lên trên hết chứ không vì quyền lợi của một nhóm người hay một tập đoàn xã hội nào.

* Bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước ta:

 Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ bản chất giai cấp của nhà nước nói chung, theo Người, bất kỳ một nhà nước nào cũang mang bản chất của một giai cấp nhất định, “ Tính chất của nhà nước là bản chất giai cấp của chính quyền”; mỗi nhà nước đều gắn với một chủ thể giai cấp, bảo vệ lợi ích của một giai cấp nhất định; không thể có nhà nước đứng ngoài giai cấp, nhà nước phi gia cấp.

- Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước của dân, do dân và vì dân về bản chất là nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân. Hồ Chí Minh ý thức rất rõ: Tính chất của nhà nước là nội dung giai cấp của chính quyền; trong nhà nước đó giai cấp nào thống trị, giai cấp nào bị trị, nhà nước bảo vệ lợi ích của giai cấp nào thì mang bản chất của giai cấp đó.

Hồ Chí Minh khẳng định: “ Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”.

Mặt khác, sự lãnh đạo của  giai cấp công nhân đối với Nhà nước quyết định bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước ta.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bản chất giai cấp công nhân của nhà nước kiểu mới được thể hiện ở các mặt chủ yếu sau đây:

- Nhà nước ta được tổ chức, hoạt động theo các nguyên tắc phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước chuyên chính vô sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa nói chung.

- Nhà nước luôn được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản.

- Nhà nước ta được tổ chức, hoạt động và vận hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ -  một nguyên tắc tổ chức đặc thù của giai cấp công nhân.

- Cơ sở xã hội của Nhà nước là khối đại đoàn kết dân tộc, khối đại đoàn kết toàn dân, mà nòng cốt là liên minh công - nông -  trí thức.

- Nhà nước ta được tổ chức, hoạt động theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất.

- Nhà nước được tổ chức, hoạt động theo nguyên tắ: Quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng trong tổ chức, hoạt động có sựu phân công rành mạch về chức năng, nhiệm vụ giữa quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

- Nhà nước điều hành, quản lý xã hội bằng pháp luật, mà pháp luật đó đại biểu cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích của gia cấp công nhân và đông đảo quàn chúng lao động.

* Với biểu hiện như vậy, ở Nhà nước ta, bản chất giai cấp công nhân bao giờ cũng thống nhất chặt chẽ với tính nhân dân và tính dân tộc. Đây là một quan niệm hết sức đặc sắc, độc đáo của Hồ Chí Minh. Sự thống nhất dựa trên các căn cứ khách quan mà quan trọng nhất là sự thống nhất lợi ích của giai cấp với lợi ích của nhân dân lao động và lợi ích của toàn thể dân tộc: Độc lập cho dân tộc; khát vọng dân chủ của toàn thể dân tộc; cuộc sống no đủ, sung sướng, hạnh phúc của tất cả mọi người dân Việt Nam.

Câu 2: Trình bày quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức; ý nghĩa đối với cải cách nền hành chính hiện nay?

* Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy nhà nước:

- Người quan niệm bộ máy nhà nước là một chỉnh thể thống nhất, bao gồm nhiều bộ phận hợp thành. Hiệu quả hoạt động của cả bộ máy phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của các bộ phận. Mối quan hệ này đòi hỏi phải xây dựng một bộ máy đồng bộ, có tính hướng đích.

- Phương châm xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ, có cơ cấu hợp lý, có khả năng bao quát và giải quyết tốt các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước.

- Nguyên tắc xây dựng bộ máy nhà nước:

+ Một là, xây dựng Quốc hội thành cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện ý chí, nguyện vọng của toàn dân, của cả nước, cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

+ Hai là, xây dựng Chính phủ thành cơ quan hành pháp cao nhất, thực sự mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân; xây dựng một nền ahfnh chính quốc gia thống nhất trên nền tảng dân chủ, hiện đại và hoạt động có hiệu lực thực tế.

+ Ba là, xây dựng bộ máy tư pháp có tính độc lập tương đối, dân chủ, hiện đại, xét xử công bằng theo luật và lương tâm người xử án.

Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở, nhất là cấp xã, vì đó là tế bào hạt nhân cấu thành mạng lưới tổ chức nhà nước, là nền tảng của mọi công tác chính quyền.

* Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức

Người cho rằng, hiệu quả họat động của bộ máy nhà nước phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Người có những sắc lệnh cụ thể về vị thế, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Người yêu cầu phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng công tác, có tính chuyên môn hóa và tính chuyên nghiệp hóa cao, bảm bảo cho nền hành chính hoạt động ổn định trong mọi điều kiện và trong các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Hồ Chí Minh đã xác lập hệ thống các tiêu chuẩn với từng loại công chức cụ thể, bao gồm: “Đức” và “Tài” trong đó “Đức” là nền tảng, là gốc.

Đặc biệt Hồ Chí Minh lưu ý: đã là cán bộ, công chức thì phải nắm chắc luật pháp, am hiểu pháp luật và vận dụng nhuần nhuyễn chúng trong lĩnh vực của mình.

Mặt khác, Hồ Chí Minh xây dựng một số quy chế tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện và sử dụng công chức nhà nước, quy chế thi là cơ sở đánh giá, xếp đúng các ngạch, bậc trong nền hành chính. Nội dung thi tuyển công chức gồm 6 môn khoa học: lịch sử, địa lý, kinh tế, chính trị, pháp luật và ngoại ngữ, nhằm trang bị cho mỗi cán bộ, công chức một nền móng tri thức ổn định, từ đó đi sâu vào lĩnh vực chuyên môn của mình. Những quan điểm này rất gần với Luật Cán bộ, công chứng mà chúng ta đang thực hiện trong điều kiện mới.

* Ý nghĩa đối với cải cách nền hành chính hiện nay

Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức rất có ý nghĩa đối với cải cách nền hành chính hiện nay.

Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011- 2020 xác định rõ 4 lĩnh vực cải cách hành chính trong đó có: cải cách tổ chức bộ máy hành chính và đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, với mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.   

Nền hành chính nhà nước ở nước ta trong quá trình đổi mới vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, tiêu cực, chưa đáp ứng được những yêu cầu của cơ chế quản lý mới cũng nhu cầu của nhân dân trong điều kiện mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao nên việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là cần thiết.

  Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hướng tới xây dựng một bộ máy hành chính đơn giản, gọn nhẹ, vận hành thông suốt từ trung ương tới cơ sở với chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và các cấp hành chính không chồng chéo, trùng lắp.

 Chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức hành chính là yếu tố cơ bản, quyết định tới hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng và cả bộ máy hành chính nhà nước nói chung. Do đó, đây là một trong những nội dung được chú trọng nhất trong tiến trình cải cách hành chính ở nước ta. 

Tên tài liệu: [Câu hỏi ôn tập] Bài 11 - 02 câu - Tư tưởng hồ chí minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Tên File: [Ôn tập] Bài 11 - 02 câu - Tư tưởng hồ chí minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Các bạn có thể tải tài liệu bằng cách bấm vào các biểu tượng dưới đây
Word

PDF

Powerpoint

Khác

Nguồn gốc tài liệu: Sưu tầm trên Internet và qua các nguồn chia sẻ khác
(nếu có vấn đề liên quan đến bản quyền,nội dung tài liệu không chuẩn, hoặc đóng góp để tài liệu hoàn thiện hơn xin vui lòng liên hệ email doquangdung.com@gmail.com hoặc gửi tin nhắn qua Fanpage. Trân trọng !)     

Nội dung của tài liệu:

Post a Comment

Previous Post Next Post