[Thảo luận] Phân tích: “Đạo đức không phải trên trời rơi xuống mà do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày”.

       

Phân tích: “Đạo đức không phải trên trời rơi xuống mà do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày”.

        Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo cách mạng bàn nhiều nhất đến vấn đề đạo đức. Theo Bác Hồ, con người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Nếu thiếu một đức thì không thành người. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, được kế thừa tư tưởng đạo đức phương Đông và những tinh hoa đạo đức của nhân loại. Có thể nói, với tư duy độc lập và sáng tạo, Bác Hồ của chúng ta đã xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, thực hiện công việc kế thừa có chọn lọc, thâu tóm những giá trị đạo đức của quá khứ, đề xuất những tư tưởng, đạo đức mới, phù hợp với yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong"

Khác với tác dụng điều chỉnh của luật pháp Nhà nước là bắt buộc, đạo đức chỉ có thể hình thành trên cơ sở tự giác, tự nguyện, dựa vào lương tâm của mỗi người và dư luận của quần chúng trong xã hội.

Mỗi một đức tính tốt, dù nhỏ cũng không phải tự nhiên và dễ dàng có được, mà phải trải qua cả một quá trình hình thành, chắt lọc, rèn luyện lâu dài. Vì đạo đức là cái ở trong tâm của mỗi con người, thuộc về bản chất, chứ không phải chỉ là sự biểu hiện bề ngoài, cũng không phải cứ học thuộc một bài học về đạo đức là chúng ta đã có ngay được điều đó. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lại càng đòi hỏi mỗi người phải có sự phấn đấu, rèn luyện bền bỉ, thường xuyên hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Đồng thời phải biến những bài học đó thành thói quen hành động và rèn luyện cho những thói quen ấy ngấm sâu trong “máu thịt” trở thành nhân cách, chỉ có như vậy mới có được đạo đức thật sự, bền vững.

Tất nhiên, từ việc học tập đến việc làm theo cũng không phải là dễ, nếu không có sự tự giác, quyết tâm cao. Và để xây dựng được một nhân cách, đạo đức tốt, trước hết mỗi con người cần phải tự đấu tranh với chính bản thân mình. Vì ở trong mỗi người đều luôn tồn tại hai mặt thiện và ác, mà học cái tốt thì khó, vì như "người ta leo núi phải vất vả khó nhọc mới lên đến đỉnh, còn học cái xấu thì dễ như “ở trên đỉnh chỉ trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu", nên nếu không có ý chí đấu tranh, rèn luyện bản thân, chỉ cần một lúc buông thả, mất cảnh giác thì những cám dỗ, tác động từ ngoại cảnh, cùng với cái xấu, cái ác, sự ham muốn địa vị, vật chất, ham muốn hưởng thụ… bên trong sẽ trỗi dậy, lấn át cái tốt. Nếu không quan tâm hoặc bỏ qua việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống thì rất dễ dẫn tới sự phát triển lệch lạc, phiến diện. Đó là con đường dẫn tới sự thiếu hụt những giá trị nhân văn trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của con người. Đó là nguy cơ làm suy thoái, thậm chí biến dạng quá trình phát triển của cá nhân, cộng đồng.

Vì thế phải luôn luôn học tập, tu dưỡng để hoàn thiện bản thân, việc tu dưỡng đạo đức phải gắn với thực tiễn công tác, lao động, học tập. Rèn luyện mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh như là việc phải rửa mặt hằng ngày mà Bác đã chỉ ra. Vấn đề mấu chốt, quyết định trong giáo dục, rèn luyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên là sự tự giáo dục, tự rèn luyện, biết vươn lên làm chủ được một cách đúng đắn tri thức hiện đại, trở thành những con người đủ đức, đủ tài, vừa có phẩm chất vừa có năng lực thực sự là những công dân vừa “hồng” vừa “chuyên”, góp sức xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác Hồ và cũng chính là mong ước của tất cả những người dân Việt Nam chúng ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến việc giáo dục về đạo đức, về nhân cách của người cán bộ cách mạng. Người nói có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức có vị trí quan trọng đặc biệt đối với mỗi con người. Đối với người cách mạng, đạo đức là gốc, cái nền tảng của người cách mạng. "Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân ".

Có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh lợi ích riêng của cá nhân mình. Đó là biểu hiện cao quý của đạo đức cách mạng.

Câu hỏi: Những nguyên tắc xây dựng đạo đức của cán bộ?

- Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời:

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Không vượt qua được chính mình, không chiến thắng được giặc trong lòng thì không thể có đạo đức cách mạng.

Mỗi một đức tính tốt, dù nhỏ cũng không phải tự nhiên và dễ dàng có được, mà phải trải qua cả một quá trình hình thành, chắt lọc, rèn luyện lâu dài. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi người phải có sự phấn đấu, rèn luyện bền bỉ, thường xuyên hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Đồng thời phải biến những bài học đó thành thói quen hành động và rèn luyện cho những thói quen ấy ngấm sâu trong “máu thịt” trở thành nhân cách, chỉ có như vậy mới có được đạo đức thật sự, bền vững. Để xây dựng được một nhân cách, đạo đức tốt, trước hết mỗi con người cần phải tự đấu tranh với chính bản thân mình. Nếu không quan tâm hoặc bỏ qua việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống thì rất dễ dẫn tới sự phát triển lệch lạc, phiến diện, dẫn tới sự thiếu hụt những giá trị nhân văn trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của con người. Đó là nguy cơ làm suy thoái, thậm chí biến dạng quá trình phát triển của cá nhân, cộng đồng.

Vì thế phải luôn luôn học tập, tu dưỡng để hoàn thiện bản thân, việc tu dưỡng đạo đức phải gắn với thực tiễn công tác, lao động, học tập. Rèn luyện mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh như là việc phải rửa mặt hằng ngày mà Bác đã chỉ ra.

- Xây đi đôi với chống:

+  Đảng viên và cán bộ cũng là người, nên không phải người người đều tốt, việc việc đều hay. Theo Hồ Chí Minh: Đảng không phải từ trên trời sa xuống, nó từ trong xã hội mà ra. Có đảng viên khi vào Đảng, mang luôn cả những thói hư tật xấu còn sót lại trong mình vào Đảng. Có người vào Đảng rồi lại nhiễm các bệnh từ xã hội vào. Cho nên Đảng có khuyết điểm, đảng viên có khuyết điểm là lẽ đương nhiên. Nhưng phải thấy khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân và sửa chữa ngay những khuyết điểm ấy. Vấn đề quan trọng trong giáo dục đạo đức cách mạng là phải khơi dậy ý thức đạo đức lành mạnh ở mọi người, để mọi người tự giác nhận thức được trách nhiệm đạo đức của mình. Việc khơi dậy sự tự giác của mỗi người nhằm đấu tranh tự loại bỏ cái thấp hèn để vươn tới cái cao đẹp, loại bỏ cái ác, cái vô đạo đức để vươn tới cái thiện, cái đạo đức.

+ Trong cuộc đấu tranh cách mạng, chúng ta thường xuyên phải chống lại 3 kẻ địch: bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm; thói quen và truyền thống lạc hậu; loại thứ ba là chủ nghĩa cá nhân. Trong hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không khuất phục, cúi đầu. Quan trọng là đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình.

+ Chống và xây đi liền với nhau.  Lấy gương người tốt việc tốt hằng ngày giáo dục lẫn nhau để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Lấy xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh làm nòng cốt để xây dựng tổ chức, xây dựng con người. Lấy mặt tốt làm chính để phát huy, khắc phục mặt xấu. Trong mối quan hệ giữa chống và xây, cần nhận thức chống cũng nhằm xây, đi liền với xây nhưng xây là nhiệm vụ chủ yếu và lâu dài.

- Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức:

+ Đạo làm gương là một nét đẹp văn hóa phương Đông. Điều quan trọng nhất về mặt đạo đức là lấy hiệu quả làm thước đo. Trước mặt quần chúng không phải cứ viết lên trán chữ “cộng sản” là được họ yêu mến, mà họ chỉ yêu mến những người có tư cách đạo đức.

+ Làm gương ở nhiều môi trường và cấp độ khác nhau. Nhân dân ta nói “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, trong mọi biểu hiện làm gương thì người đứng đầu, cán bộ chủ chốt giữ vai trò rất quan trọng. Muốn hướng dẫn cấp dưới và nhân dân  thì mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước, nói phải đi đôi với làm, nói được phải làm được, tránh tình trạng nói suông nhưng không thực hiện được.

*  Liên hệ bản thân:

- Noi gương về đạo đức

Tác dụng nêu gương của cấp trên đối với cấp dưới, của cán bộ, Đảng viên đối với quần chúng là rất quan trọng. Là người cán bộ, đảng viên, bản thân không chỉ làm gương cho cấp dưới, cho quần chúng nhân dân, mà còn phải biết noi gương những thế hệ đi trước, những tấm gương sáng về đạo đức để học tập và hoàn thiện bản thân.

Với cương vị là cán bộ, đảng viên, tôi đã và đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cố gắng thực hiện lời khuyên của Người "dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp, ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng". Bởi lẽ, muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước, phải xung phong làm gương mẫu, phải tiên phong, có sự nhận thức đúng đắn về đạo đức cách mạng, gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, thực hiện thường xuyên và có hiệu quả cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng và nhà nước giao; góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đi vào cuộc sống. Có vậy, hành vi, phong cách và đạo đức của bản thân mới ngày càng được hoàn thiện trong mọi lĩnh vực công tác và trong cả đời sống sinh hoạt của mình. 

Post a Comment

Previous Post Next Post