[Câu hỏi ôn tập] 8 câu - Bài 1- NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG

 


BÀI 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA
DUY VẬT BIỆN CHỨNG.

 Câu 1: Trình bày quan điểm của chủ nghĩa duy vật mácxít về vật chất và ý thức cũng như mối quan hệ giữa vật chất và ý thức?

* Vật chất:

- Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, đuợc cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh, và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác.
- Vật chất mang tính khái quát cao, phản ánh tất cả những dạng tồn tại cụ thể của vật chất.

- Vật chất có nhiều thuộc tính nhưng thuộc tính cơ bản nhất là “thực tại khách quan” - tức là tồn tại khách quan độc lập với ý thức của con người và loài người. Thuộc tính này là tiêu chuẩn cơ bản để phân biệt cái gì thuộc vật chất, cái gì không thuộc vật chất.

- Theo triết học Mác-Lênin, vật chất tồn tại thông qua vận động, không gian và thời gian. Vận động được hiểu như 1 phương thức tồn tại của vật chất, là thuộc tính cố hữu của vật chất, bao gồm mọi sự thay đổi nói chung, mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ thay đổi vị trí đơn giản cho đến tư duy. Vận động gắn liền với đứng im, đứng im là vận động trong thăng bằng, trong sự ổn định tương đối.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  

* Ý thức:

- Chủ nghĩa duy vật mácxít khẳng định ý thức có nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc xã hội.
+ Nguồn gốc tự nhiên thể hiện ở chỗ ý thức là thuộc tính phản ánh của bộ óc người, phản ánh là thuộc tính chung của mọi dạng vật chất. Cùng với sự phát triển của thế giới vật chất, thuộc tính phản ánh của vật chất cũng phát triển từ thấp lên cao.

Ý thức là thuộc tính của 1 dạng vật chất sống có tổ chức cao là bộ óc người. Chính bộ óc người và sự tác động của thế giới khách quan lên bộ óc người là nguồn gốc tự nhiên của ý thức. Không có bộ óc người thì không thể có ý thức.
+ Nguồn gốc xã hội thể hiện ở chỗ phải có lao động và cùng với lao động là ngôn ngữ thì mới có ý thức được. Lao động và ngôn ngữ là 2 nguồn gốc xã hội trực tiếp quyết định sự ra đời của ý thức con người.
- Về bản chất, ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, nghĩa là ý thức là sự phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc con người, là hình ảnh của sự vật được thực hiện trong bộ óc người. Nhưng đây là sự phản ánh năng động, sáng tạo, thể hiện ở chỗ phản ánh có chọn lọc, không phản ánh nguyên xi mà được cải biến trong bộ óc người, phản ánh những thứ cơ bản nhất mà con người quan tâm, có thể phản ánh vượt mức hiện thực, dự báo xu hướng biến đổi của thực tiễn. Ý thức là ý thức của con người nhưng con người là con người hiện thực của 1 xã hội lịch sử cụ thể, do vậy ý thức luôn mang bản chất xã hội.

* Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức:

   Vật chất tác động ý thức:

- Vật chất (Được hiểu là những cơ sở vật chất, điều kiện vật chất quy luật khách quan..) Là những tiền đề cơ sở, nguồn gốc cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của ý thức. Chủ nghĩa duy vật mácxít khẳng định vật chất có trước ý thức, quyết định ý thức, ý thức là cái phản ánh cho nên là cái có sau, là cái bị quyết định. Ý thức là 1 thuộc tính của 1 dạng vật chất sống có tổ chức cao, đặt biệt đó là bộ óc. Không có bộ óc thì không thể có ý thức. Hơn nữa, ý thức tồn tại phụ thuộc vào hoạt động thần kinh của bộ não trong quá trình phản ánh thế giới khách quan.

- Điều kiện vật chất như thế nào thì ý thức như thế đó (Ví dụ như mô hình kinh tế quan liêu bao cấp thì ý thức con người không đuợc nâng cao, ỷ lại vào nhau)

- Khi cơ sở vật chất, điều kiện vật chất thay đổi thì ý thức thay đổi theo.

Như vậy vật chất quyết định ý thức là quyết định cả nội dung bản chất và khuynh hướng vận động, phát triển của ý thức.

- Cơ sở vật chất, điều kiện vật chất môi trường sống còn là nơi kiểm nghiệm nhận thức con người, xác định nhận thức đúng bác bỏ nhận thức sai.

- Là nơi hình thành nên các công cụ phương tiện giúp con người nhận thức thế giới tốt hơn.

   Ý thức tác động trở lại vật chất:

Mặc dù vật chất quyết định ý thức, nhưng ý thức có tính năng động sáng tạo, cho nên thông qua hoạt động thực tiễn của con người có thể tác động trở lại vật chất bằng cách thúc đẩy hoặc kìm hãm ở một mức độ nào đó các điều kiện vật chất, góp phần cải biến thế giới khách quan. Tuy nhiên, sự tác động trở lại của ý thức đối với vật chất dù có đến đâu đi chăng nữa vẫn phụ thuộc vào các điều kiện vật chất. Cho nên, xét đến cùng, vật chất luôn quyết định ý thức.

Câu 2: Trình bày mối liên hệ phổ biến và ý nghĩa phương pháp luận của nó? Nguyên lý về sự phát triển và ý nghĩa phương pháp luận của nó?

* Mối liên hệ phổ biến:

- Là khái niệm nói lên rằng mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới (cả tự nhiên, xã hội và tư duy) dù đa dạng phong phú nhưng đều nằm trong mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác. Cơ sở của mối liên hệ này là tính thống nhất vật chất của thế giới.

- Từ nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, triết học duy vật mácxít rút ra ý nghĩa phương pháp luận đó là quan điểm toàn diện và quan điểm lịch sử cụ thể. Quan điểm toàn diện yêu cầu khi xem xét sự vật phải xem xét tất cả các mặt, các yếu tố của nó. Tuy nhiên phải có trọng tâm, trọng điểm xem xét sự vật trong mối liên hệ với các sự vật hiện tượng khác.

- Trong hoạt động thực tiễn, muốn cải tạo sự vật phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Phải xác định đánh giá đúng vị trí vai trò của từng mối liên hệ với sự vận động, cụ thể xác định không gian, thời gian, tránh chung chung đại khái .

* Nguyên lý về sự phát triển và ý nghĩa phương pháp luận:

- Chủ nghĩa mácxít coi phát triển là quá trình vận động theo hướng đi lên từ thấp lên cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Phát triển không chỉ là sự tăng lên, giảm đi về lượng mà là còn sự nhảy vọt về chất. Nguồn gốc của sự phát triển chính là sự thống nhất và đấu tranh của những mặt đối lập bên trong sự vật quy định. Phát triển là khách quan phổ biến và có nhiều hình thức cụ thể khác nhau.

- Từ nguyên lý về sự phát triển, triết học duy vật mácxít rút ra ý nghĩa phương pháp luận là phải có quan điểm phát triển trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Trong nhận thức, khi nhận thức sự vật không chỉ nhận thức nó trong hiện tại mà còn phải thấy được khuynh hướng vận động, phát triển của nó trong tuơng lai. Trên cơ sở đó dự báo những tình huống có thể xảy ra để chủ động nhận thức giải quyết.

- Trong hoạt động thực tiễn cần chống bảo thủ trì trệ, ngại đổi mới, bởi lẽ mọi sự vật, hiện tượng trong thé giới luôn vận động, biến đổi và phát triển. Phát triển là khó khăn, bao gồm cả sự thụt lùi tạm thời, do vậy khi hoạt động thực tiễn khi gặp khó khăn thất bại tạm thời phải biết tin tưởng vào tương lai.

Câu 3: Trình bày quan đỉểm của chủ nghĩa duy vật mácxít về mâu thuẫn, mặt đối lập, thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập?

* Khái niệm:

- Mâu thẫn: Mâu thuẫn biện chứng là sự liên hệ thống nhất tác động ảnh hưởng, chi phối.. lẫn nhau của các mặt đối lập.
- Những mặt đối lập là những mặt có khuynh hướng, thuộc tính biến đổi, phát triển trái ngược nhau trong cùng sự vật, hiện tương hay hệ thống sự vật hiện tượng.

- Thống nhất của các mặt đối lập đuợc hiểu theo 3 nghĩa:

+ Một là, các mặt đối lập làm điều kiện, tiền đề tồn tại cho nhau không có mặt đối lập này thì không có mặt đối lập kia và ngược lại.

+ Hai là, các mặt đối lập tác động ngang nhau, cân bằng nhau.

+ Ba là, giữa hai mặt đối lập có điểm chung nhau, tương đồng nhau.

- Đấu tranh của các mặt đối lập là sự phủ định nhau, bài trừ nhau hay là sự phát triển của các mặt đối lập. Đấu tranh của các mặt đối lập là tuyệt đối, vì nó diễn ra thường xuyên, liên tục, trong tất cả quá trình vận động phát triển của sự vật  ngay trong sự thống nhất của các mặt đối lập cũng hàm chứa những nhân tố phá vỡ sự thống nhất đó. Vì vậy, thống nhất của các mặt đối lập là tương đối.

* Nội dung quy luật

- Thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập có vai trò là nguồn gốc của quá trình vận động, phát triển của sự vật. Khi 2 mặt đối lập thống nhất với nhau thì sự vật vận động từ từ, chậm chạp, mâu thuẫn chưa gay gắt.

Nhưng xu hướng của 2 mặt đối lập là đấu tranh với đi ngược lại nhau. Do vậy đến 1 thời điểm nhất định thì cả 2 mặt đối lập đều biến đổi, mâu thuẫn biến đổi. Nếu mâu thuẫn được giải quyết thì mâu thuẫn cũ mất đi làm sự vật không còn là nó. Từ sự vật cũ ra đời sự vật mới, mâu thuẫn mới xuất hiện, và nó lại được giải quyết. Cứ như vậy sự vật vận động và phát triển.

Chính sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là nguồn gốc của sự vận động, phát triển của sự vật. Nói khác đi, quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập chỉ ra nguồn gốc của sự vận động, phát triển của sự vật.

* Ý nghĩa phương pháp luận
  
Mâu thuẫn là khách quan, do vậy không thể né tránh mâu thuẫn. Có nhiều loại mâu thuẫn: mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản, mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn không chủ yêu, mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng. Do vậy trong hoạt động thực tiễn cần xác định đúng mâu thuẫn, giải quyết mâu thuẫn không được chủ quan, thỏa hiệp.

Câu 4: Trình bày quan điểm của chủ nghĩa duy vật mácxít về chất, lượng, độ, điểm nút?

* Chất:

- Là phạm trù triết học chỉ tính quy định khách quan vốn có của các sự vật, hiện tượng, là sự thống nhất hữu cơ các thuộc tính làm cho sự vật là nó mà không phải sự vật khác.

- Thuộc tính về chất là một khía cạnh nào đó về chất của sự vật được bộc lộ ra khi tác động qua lại với các sự vật khác mỗi sự vật có nhiều thuộc tính. Tổng hợp những thuộc tính cơ bản tạo thành chất cơ bản của sự vật. Như vậy chất là chất của sự vật, là khách quan, không do ai tạo ra cho sự vật. Chất nói lên sự vật là cái gì.

* Lượng:

-  Là phạm trù triết học chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật, hiện tượng về mặt quy mô, trình độ phát triển  biểu thị đại luợng con số các thuộc tính các yếu tố... cấu thành sự vật.

- Khoảng giới hạn mà sự thay đổi về luợng (tăng lên hoặc giảm đi) chưa làm cho chất của sự vật thay đổi đuợc gọi là độ. Nói khác đi độ là phạm trù triết học chỉ sự thống nhất giữa lượng và chất, là khoảng giới hạn, mà trong đó sự thay đổi về lượng và chất (tăng lên hoặc giảm đi) chưa làm cho sự thay đổi căn bản về chất của sự vật diễn ra.

- Sự thay đổi về luợng của sự vật (tăng lên hoặc giảm đi) đến giới hạn nhất định sẽ làm cho chất của sự vật thay đổi, điểm giới hạn đó được gọi là điểm nút.

Câu 5: Trình bày quan điểm của chủ nghĩa duy vật mácxít về phủ định biện chứng, phủ định của phủ định?

* Phủ định là khái niệm chỉ sự thay thế sự vật này bằng sự vật khác trong quá trình vận động và phát triển. Có 2 loại phủ định: Phủ định siêu hìnhPhủ định biện chứng.

* Phủ định biện chứng là phạm trù triết học dung để chỉ sự tự phủ định, sự phủ định tạo tiền đề cho sự phát triển tiếp theo của sự vật, sự phủ định tạo tiền đề cho cái mới ra đời thay thế cho cái cũ, lực lượng phủ định ở ngay trong bản thân sự vật. Phủ định biện chứng có 3 đặc điểm:

-         Tính khách quan: sự vật tự phủ định, sự phủ định này không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người, đó là kết quả giải quyết mâu thuẫn bên trong sự vật quy định.

-         Tính phổ biến: phủ định biện chứng tồn tại cả trong tự nhiên, trong xã hội và trong tư duy của con người.

-         Tính kế thừa: trong phủ định biện chứng có sự liên hệ giữa cái cũ và cái mới, không phủ định sạch trơn hoàn toàn cái cũ, mà có lọc bỏ những cái cũ không còn phù hợp , kế thừa những yếu tố còn phù hợp và chuyển vào sự vật mới.

* Phủ định của phủ định có đầy đủ các tính chất của phủ định biện chứng và có thêm tính chất chu kỳ. Nghĩa là ít nhất qua 2 lần phủ định biện chứng, sự vật dường như quay trở lại điểm xuất phát ban đầu nhưng trên cơ sở cao hơn. Phủ định lần thứ nhất làm cho sự vật cũ trở thành cái đối lập của mình. Sau những lần tiếp theo, đến 1 lúc nào đó sẽ ra đời sự vật mới mang nhiều đặc trưng giống với sự vật ban đầu. Trong thực tế, nhiều sự vật hiện tượng phải trải qua 3,4 hay nhiều hơn nữa số lần phủ định biện chứng mới kết thúc 1 chu kỳ. Nhờ tính chu kỳ mà sự vậy có xu hướng phát triển theo đường xoáy ốc đi lên.

- Quy luật phủ định của phủ định cho ta cơ sở để hiểu sự ra đời của cái mới, mối liên hệ giữa cái cũ và cái mới. Do vậy trong hoạt động thực tiễn phải biết ủng hộ cái mới hợp quy luật.

- Trong nhận thức và hoạt động thực tiễn cần chống thái độ “hư vô”, phủ định sạch trơn, phải biết sàng lọc những gì tích cực từ cái cũ, chống bảo thủ khư khư ôm lấy những gì đã lạc hậu, lỗi thời. Nhận thức được rằng phát triển không phải là đường thẳng mà theo đường xoáy ốc đi lên, nghĩa là có nhiều khó khăn, phức tạp trong quá trình vận động, phát triển, trong tình huống đó phải luôn lạc quan, tin tưởng vào xu thế phát triển của cái mới hợp quy luật.

Câu 6: Trình bày quan điểm của chủ nghĩa duy vật mácxít về bản chất của nhận thức?

 * Quan niệm:

    Sự ra đời của chủ nghĩa duy vật biện chứng đã tạo ra cuộc cách mạng trong triết học nói chung và trong lý luận nhận thức nói riêng. Bằng sự kế thừa những yếu tố hợp lý, phát triển một cách sáng tạo và được minh chứng bởi những thành tựu của khoa học, kỹ thuật, của thực tiễn xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen đã xây dựng nên học thuyết biện chứng duy vật về nhận thức.
Quan niệm về bản chất của nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng thể hiện ở những điểm sau:

- Thứ nhất: Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng nhận thức là quá trình phản ánh hiện thực khách quan vào trong đầu óc con người trên cơ sở thực tiễn. Có nghĩa là thừa nhận thế giới vật chất tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của con người và loài người.

- Thứ 2: Công nhận khả năng nhận thức được thế giới của con người. Không có cái gì mà con người không thể nhận thức được, mà chỉ có cái con người chưa nhận thức được mà thôi.

- Thứ 3: Nhận thức là quá trình biện chứng, có vận động, biến đổi, phát triển, đi từ chưa biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều, từ chưa đầy đủ đến đầy đủ hơn nhưng không có giới hạn cuối cùng.

- Thứ 4: Nhận thức phải dựa trên cơ sở thực tiễn, lấy thực tiễn làm mục đích nhận thức, tiêu chuẩn kiểm tra chân lý.

=> Tóm lại: Theo triết học duy vật biện chứng, nhận thức là quá trình phản ánh tích cực, tự giác và sáng tạo thế giới khách quan vào bộ óc người trên cơ sở thực tiễn mang tính lịch sử - xã hội cụ thể.

* Biện chứng của quá trình nhận thức:

- Nhiệm vụ của nhận thức là đạt đến chân lý, nghĩa là đến tri thức có nội dung phù hợp với hiện thực khách quan. Vì vậy, nhận thức phải dựa trên cơ sở thực tiễn. Nhưng nhận thức diễn ra theo quá trình như thế nào, vấn đề này được Lênin diễn tả qua luận điểm: “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn” - đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức hiện thực khách quan.

- Áp dụng phép biện chứng duy vật vào nhận thức, chúng ta nhận thấy rằng, nhận thức không phải là một sự phản ánh ngưng đọng, sao chép máy móc hiện thực, mà là một quá trình phát triển theo từng giai đoạn, những giai đoạn này liên hệ với nhau và giai đoạn này nhất thiết phải là tiền đề của giai đoạn kia. Như vậy, nhận thức của con người gồm 2 giai đoạn khác nhau nhưng nhưng có quan hệ biện chứng với nhau: Nhận thức cảm tính (hay trực quan sinh động) và tư duy trừu tượng (hay nhận thức lý tính).

-         Nhận thức cảm tính ( hay trực quan sinh động)

   Là giai đoạn đầu tiên của quá trình nhận thức, nó phản ánh trực tiếp sự vật, hiện tượng thông qua các giác quan. Kết quả nhận thức được thể hiện dưới các hình thức:

+ Cảm giác:

- Là hình thức đầu tiên của quá trình nhận thức cảm tính và là nguồn gốc của mọi sự hiểu biết con người nói chung. Khi sự vật, hiện tượng trực tiếp tác động vào các giác quan của con người thì gây nên cảm giác, nó là sự phản ánh từng mặt, từng thuộc tính bên ngoài sự vật.

+ Tri giác: là tổng hợp của nhiều cảm giác, đem lại cho con người hình ảnh trọn vẹn hơn về vẻ ngoài của sự vật.

+ Biểu tượng: là hình ảnh của sự vật do tri giác đem lại nhưng được tái hiện lại nhờ trí nhớ. Biểu tượng không trực tiếp tiếp xúc với sự vật. Mặc dù biểu tượng vẫn là nhận thức ở giai đoạn cảm tính nhưng đã ít nhiều mang tính trừu tượng và chủ động, sáng tạo. ở hình thức này con người đã huy động trí nhớ tham gia vào nhận thức. Đây là bước trung gian để chuyển lên nhận thức lý tính.

- Nhận thức lý tính (hay tư duy trừu tượng): là giai đoạn tiếp theo và cao hơn về chất, được nảy sinh từ nhận thức cảm tính trên cơ sở thực tiễn. Nhận thức lý tính phản ánh hiện thực khách quan một cách gián tiếp thông qua hoạt động của tư duy, thể hiện ở các hình thức: khái niệm, phán đoán, suy lý.

+ Khái niệm: là hình thức của tư duy trừu tượng phản ánh 1 hoặc 1 số những thuộc tính bản chất của sự vật hiện tượng và được biểu đạt bằng 1 từ hay 1 cụm từ. Khái niệm là kết quả của sự khái quát hóa , trừu tượng hóa của tư duy về sự vật trên cơ sở hoạt động nhận thức, nó phản ánh những thuộc tính chung, bản chất nhất của sự vật, hiện tượng.

+ Phán đoán: là hình thức của tư duy trừu tượng bằng cách lien kết các khái niệm lại để khẳng định hay phủ định 1 thuộc tính nào đó của sự vật. Đây là hình thức liên hệ các khái niệm để phản ánh mối lien hệ giữa các sự vật, hiện tượng của thế giới trong ý thức của con người. phán đoán biểu hiện dưới hình thức ngôn ngữ là các mệnh đề mà trong đó bao gồm chủ từ, vị từ và hệ từ.

+ Suy lý: là hình thức tư duy trừu tượng trong đó xuất phát từ 1 hoặc 1 số tiền đề để rút ra kết luận. Kết luận của suy lý là chân thực khi các tiền đề là chân thực và suy lý theo đúng các quy tắc logic và quy luật tư duy.

* Sự thống nhất biện chứng giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính.

- Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính là 2 giai đoạn khác nhau về chất nhưng lại thống nhất với nhau, liên hệ, bổ sung cho nhau trong quá trình nhận thức của con người. Nhận thức cảm tính là cơ sở cho nhận thức lý tính, không có nhận thức cảm tính thì không có nhận thức lý tính. Nhưng nhờ có nhận thức lý tính mà con người mới đi sâu nhận thức được bản chất của sự vật, hiện tượng, làm cho nhận thức của con người sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, đúng đắn hơn.

- Trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn cần tránh cường điệu, tuyệt đối hóa vai trò của nhận thức cảm tính, hạ thấp hoặc phủ nhận vai trò của nhận thức lý tính, như vậy sẽ rơi vào chủ nghĩa duy cảm. Đồng thời cũng cần tránh cường điệu, tuyệt đối hóa vai trò của nhận thức lý tính, hạ thấp hoặc phủ nhận vai trò của nhận thức cảm tính, như vậy sẽ rơi vào chủ nghĩa duy lý. Chủ nghĩa duy cảm hoặc duy lý đều là sai lầm.

Câu 7: Trình bày quan điểm của chủ nghĩa duy vật mácxít về vai trò của thực tiễn đối với lý luận?

* Khái niệm:

- Thực tiễn: Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho thực tiễn là hoạt động vật chất – cảm tính, mang tính lịch sử, có mục đích của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội.

- Lý luận: Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, lý luận là hệ thống những tri thức được khái quát từ kinh nghiệm thực tiễn, phản ánh những mối lien hệ bản chất, tất nhiên mang tính quy luật của các sự vật hiện tượng trong thế giới và được biểu đạt bằng hệ thống nguyên lý, quy luật, phạm trù.

* Vai trò của thực tiễn đối với lý luận:

- Thực tiễn là cơ sở, động lực của nhận thức, lý luận. Thông qua và bằng hoạt động thực tiễn con người tác động vào sự vật làm cho sự vật bộc lộ thuộc tính, tính chất, quy luật. Trên cơ sở đó, con người có hiểu biết về chúng. Nghĩa là thuộc tính cung cấp “vật liệu” cho nhận thức. Không có thực tiễn thì không thể có nhận thức.
Thực tiễn luôn đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, đòi hỏi nhận thức phải trả lời. Nói khác đi, chính thực tiễn là người đặt hàng cho nhận thức phải giải quyết. Trên cơ sở đó thúc đẩy nhận thức phát triển.
Thực tiễn còn là nơi rèn luyện giác quan của con người. Các cơ quan cảm giác được rèn luyện sẽ tạo ra cơ sở cho chủ thể nhận thức hiệu quae hơn, đúng đắn hơn.
Thực tiễn còn là cơ sở chế tạo công cụ, máy móc hỗ trợ con người nhận thức hiệu quả hơn.

- Thực tiễn là mục đích của nhận thức, lý luận. Nhận thức của con người bị chi phối bởi nhu cầu sống, nhu cầu tồn tại. Những tri thức, kết quả của nhận thức chỉ có ý nghĩa đích thực khi được vận dụng vào thực tiễn phục vụ con người, thực tiễn là tiêu chuẩn đánh giái giá trị của tri thức – kết quả của nhận thức.
Nếu nhận thức không vì thực tiễn mà vì chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa thành tích thì nhận thức sẽ mất phương hướng.

- Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra sự đúng sai của nhận thức, lý luận. Thực tiễn là tiêu chuẩn khách quan của chân lý. Bởi lẽ, chỉ thông qua thực tiễn, con người mới “vật chất hóa” được tri thức, “hiện thực hóa” được tư tưởng. Thông qua quá trình đó, con người có thể khẳng định chân lý, bác bỏ sai lầm.
Thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý 1 cách biện chứng, nghĩa là nó vừa có tính tuyệt đối (thực tiễn ở những giai đoạn lịch sử cụ thể là tiêu chuẩn khách quan duy nhất có thể khẳng định chân lý, bác bỏ sai lầm) vừa có tính tương đối (bản thân thực tiễn luôn vận động, biến đổi phát triển). Cho nên khi thực tiễn thay đổi thì nhận thức cũng phải đổi thay cho phù hợp. Nghĩa là những tri thức đã đạt được trước đây, hiện nay vẫn phải được kiểm nghiệm thông qua thực tiễn.

Câu 8: Trình bày quan điểm của chủ nghĩa duy vật mácxít về vai trò của lý luận đối với thực tiễn?

-  Lý luận đóng vai trò soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo thực tiễn. Nhờ những đặc trưng ưu trội so với tri thức kinh nghiệm mà lý luận có vai trò hết sức to lớn đối với hoạt động thực tiễn của con người. Lý luận khoa học, thông qua hoạt động thực tiễn của con người góp phần làm biến đổi thế giới khách quan, biến đổi chính thực tiễn và biến đổi chính con người.

-  Lý luận khoa học góp phần giáo dục, thuyết phục, động viên, tập hợp quần chúng để tạo thành phong trào hoạt động thực tiễn rộng lớn của đông đảo quần chúng nhân dân.

- Lý luận đóng vai trò định hướng, dự báo cho hoạt động thực tiễn, giúp hoạt động thực tiễn chủ động, tự giác, bớt mò mẫm, vòng vo.

 

 

 

 


Post a Comment

أحدث أقدم